Tổng quan về cây Mít Thái
Mít Thái là một loại quả giàu chất dinh dưỡng như vitamin A, C, canxi, sắt, kali, ma-giê… rất có lợi cho sức khỏe người dùng. Đặc điểm nổi bật của cây mít Thái là dễ trồng, năng suất cao, đậu trái quanh năm. Từ lúc trồng đến lúc cho thu hoạch lứa đầu chỉ mất khoảng 12-15 tháng. Tuy nhiên, để trồng thành công cây mít Thái mang lại hiệu quả kinh tế cao thì bà con cần lưu ý một số kỹ thuật sau:
Phân Loại Cây Mít Thái
Mít Thái Changai (hay còn gọi là mít siêu sớm): Thời gian sinh trưởng ngắn, cây mọc khỏe, phát triển nhanh, lá to bóng, rất sai quả, cho thu hoạch nhanh, năng suất cao đặc biệt cây trồng phù hợp với vùng đất đồi. Cây có thể cao 20m, lá dài, rộng, mọc cách, bìa lá thẳng. Hoa chùm, là cây đơn tính đồng chu, cuống to, không cánh, dính vào nhau thành cụm hoa kép. Mít Thái thích hợp với khí hậu nóng ẩm, chịu được hạn, nhưng không chịu được ngập úng. thích ứng với nhiều loại đất: đất đỏ Bazan, phù sa, đất xám…Ở những vùng không có rét, mít Thái cho quả từ 8 – 12 tháng sau khi trồng, quả nặng từ 6 – 12 kg, cá biệt có quả tới 15 kg. Cây ra quả quanh năm, trên cùng một cây có quả chín, có quả đang ra. Múi mít thái thịt màu vàng đậm, ít xơ, giòn, ráo, vị ngọt đậm và thơm mát. Cây trưởng thành có thể cho từ 100 – 150 quả/cây.
Mít Thái lá bàng: đây là giống có tốc độ sinh trưởng nhanh, rễ cọc ăn sâu, rễ bàng phân bổ rộng rãi và dày đặc nên có khả năng chịu hạn rất tốt. Giống mít Thái lá bàng cho năng suất cao. Đây là giống mít trái vừa ngon, có vị ngọt và thơm thích hợp để sấy khô, hạt nhỏ, ít xơ, trái nhiều, to, vỏ mỏng. Cây mít Thái lá bàng trái thường phân bổ trên toàn thân, có chùm sai, một cây trưởng thành có đến hàng trăm trái, mỗi trái nặng từ 15 kg đến 20 kg. Loại mít này nhanh ra trái, chỉ sau 18 tháng trồng là mít cho trái bói. Vì nhanh cho trái, có thể làm thực phẩm công nghiệp qua việc sấy khô, có thể sinh trưởng tại những vùng đất xấu nghèo dinh dưỡng nên giống mít lá bàng được nhiều người chọn trồng.
Mít Thái Viên Linh: Có xuất xứ từ Thái Lan, dễ trồng và ít công chăm sóc, cây sinh trưởng phát triển nhanh, ít bị sâu bệnh, thích nghi với những vùng không bị ngập úng kéo dài, chịu hạn và phèn mặn trung bình. Cây bắt đầu cho trái từ sau khi trồng từ 2 đến 3 năm. Trái to, trọng lượng bình quân từ 7 kg đến 10 kg. Đặc biệt có trái đạt từ 15 đến 20 kg. Trái khi chín có màu xanh vàng, tương đối đồng đều, gai nở. Trái mít Viên Linh có hình dáng đẹp, chất lượng ngon và năng suất ổn định, độ dày vỏ 10 mm (mỏng), thịt trái có màu vàng tươi, đồng đều, vị ngọt và ít thơm, rất ít xơ, độ brix đạt 22,75 %, múi có chiều cao 8,3 cm, múi có độ dầy cơm 9,22 mm, tỉ lệ cơm đạt 50%. Thịt của trái khô, giòn, dai, ít nước, có thể sử dụng trong công nghệ chế biến ở dạng chiên chân không (mít sấy), đóng gói hoặc ăn tươi rất ngon, ít ngán. Mít cho trái quanh năm, thời gian từ khi trổ bông đến khi thu hoạch trái khoảng 3 đến 4 tháng.
Điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây mít thái
Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng
Cây mít thái vốn là một loại cây ăn quả nhiệt đới. Chúng sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở những môi trường có mức nhiệt độ cao, khoảng từ 21 – 30ºC. Bộ rễ của mít ăn sâu xuống đất nên khả năng chịu hạn khá tốt, trong khoảng 2 – 4 tháng. Do đó, nước ta sở hữu rất nhiều điều kiện thuận lợi để trồng và phát triển loại cây ăn quả này.
Mít thái có thể được trồng trên nhiều loại đất khác nhau, điển hình như đất đỏ bazan, đất xám, đất ở các vùng đồi núi,… Điều kiện tiên quyết là các loại đất phải có khả năng thoát nước tốt vì cây mít không chịu được ngập úng. Trong tình trạng úng nước, cây mít rất dễ bị sâu bệnh và ảnh hưởng đến chất lượng chất lượng quả khi thu hoạch.
Thời vụ trồng mít thái
Việc lựa chọn thời vụ thích hợp giúp tạo điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất, đồng thời tăng tỉ lệ sống sót cho cây mít thái. Thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu gieo trồng là vào mùa mưa. Ở miền Bắc, mùa mưa sẽ tương ứng với tháng 3, tháng 4. Ở miền Nam, thời gian bắt đầu mùa mưa vào khoảng tháng 5 đến tháng 7.
Kỹ thuật trồng mít thái chi tiết
Vì mít thái là cây thân gỗ nên:
- Mật độ thích hợp để trồng là 300 – 350 cây/hecta.
- Khoảng cách giữa các cây theo hàng ngang và hàng dọc sẽ vào khoảng 5 – 6 mét.
- Tiến hành đào gốc và bổ sung phân bón vào từng gốc
Với những khu đất khá bằng phẳng, đặt mặt bầu của cây giống nằm ngang với mặt đất. Còn trường hợp đất bị dốc thì đặt mặt bầu thấp hơn từ 20 – 25 cm. Cắt bỏ phần đáy bầu trước khi vùi đất vào xung quanh.
Sau khi trồng nên cắm cọc để cố định vị trí và giúp cây không bị gãy đổ nếu có mưa bão. Tưới nước sau khi hoàn tất việc trồng mít thái. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn trồng thêm một vài loại cây ngắn ngày như ngô, đậu,… để giảm tình trạng đất trồng bị rửa trôi và cỏ dại phát triển mạnh.
Kỹ thuật chăm sóc cây mít thái
Vệ sinh đất trồng
Việc vệ sinh đất trồng, loại bỏ cây cỏ dại sẽ giúp hạn chế tối đa việc cây mít thái bị cạnh tranh dinh dưỡng.
Trong quá trình thực hiện, cần lưu ý rằng rễ cây mít mọc nổi xung quanh gốc, việc cuốc sâu, quá sát với gốc có khả năng làm tổn thương đến bộ rễ. Ở những vị xa, bạn có thể cuốc nông ở lớp bề mặt. Ở những vị trí sát gốc thì phương án an toàn nhất là nhổ thủ công.
Nếu bộ rễ bị tổn thương, cây khó hấp thụ đủ chất dinh dưỡng và vì vậy năng suất, chất lượng trái sẽ giảm.
Tưới nước
Ở giai đoạn đầu, bộ rễ của cây mít thái chưa phát triển hoàn chỉnh. Việc cung cấp nước thường xuyên sẽ làm hòa tan các chất dinh dưỡng có trong đất, giúp cây dễ hấp thụ và sinh trưởng tốt hơn.
Từ thời điểm cây được một năm tuổi, nên hạn chế việc tưới nước cho cây. Nhất là vào mùa mưa, bạn không cần tiếp tục bổ sung thêm nước cho các cây trồng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý để xử lý thoát nước kịp thời nếu cây bị úng, trũng nước.
Bón phân cho cây mít thái
Trước khi trồng cây giống, trong quá trình chuẩn bị đất, nên tiến hành bón lót để nâng cao chất lượng đất, nên sử dụng các loại phân bón NPK và phân bón hữu cơ để dễ dàng kiểm soát chất lượng trái. Đào các hố với kích thước 80 x 80 x 80 cm và sử dụng 2 – 3 kg phân Organic 1 cho mỗi hố, kết hợp ủ rơm và tưới nước giữ ẩm. Đợi khoảng 20 – 30 ngày thì bắt đầu đào hố, trồng cây giống.
Bón thúc nên được thực hiện tùy theo tính trạng dinh dưỡng cũng như điều kiện của đất trồng. Vào những giai đoạn đặc biệt, bà con nên cân nhắc để điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp, hỗ trợ tốt nhất cho sự sinh trưởng của cây.
Khi mít ở giai đoạn cho trái, nhà vườn cần lưu ý chọn phân bón phù hợp cho cây. Vì là cây có múi nên sẽ dễ bị tình trạng chai sượng múi, múi nhỏ, nứt trái, vị nhạt. Do đó, nhà vườn nên chọn sản phẩm NPK 13-13-13+TE hoặc NPK 12-12-18+TE sử dụng 100% K2SO4 đảm báo múi to, vị thơm ngon hơn. Bà con có thể chia làm 3 đợt bón cách nhau 20-30 ngày/bón/lần. Lượng bón 0,5 – 1kg/cây/lần.
Tỉa cành và tạo tán
Khi cây mít thái cao hơn 1 mét, bà con sẽ bắt đầu thực hiện việc tỉa cành và tạo tán cho cây trồng. Trong giai đoạn phát triển, việc tỉa cành nên được thực hiện khoảng 2 – 3 lần mỗi năm vào những thời điểm khô ráo, nhiệt độ không quá cao. Với những cây bước vào thời kỳ kinh doanh, chỉ nên thực hiện tỉa cành mỗi năm một lần vào sau khi thu hoạch.
Trong quá trình thực hiện tỉa cành, bà con loại bỏ tất cả những cành già, cành khô, những cành không có khả năng ra trái, những cành quá sát mặt đất,… Đồng thời, bà con thực hiện tạo tán, giúp cho vườn cây thông thoáng, hạn chế sự phát triển của những loại sâu bệnh hại.
Một số loại sâu bệnh hại thường gặp
Một số loại sâu như là nhóm côn trùng chích hút: bọ trĩ, nhện đỏ, rệp sáp, sâu đục thân, đục đọt, mọt ….
Một số loại bệnh như nứt thân, nấm bồ hóng, nấm hồng, bệnh xì mủ, thán thư ( cháy lá ),….
Bệnh hại:
a. Bệnh thối nhũn
– Cây con ở vườn ươm có độ ẩm cao, quá rậm rạp dễ bị bệnh và bệnh lây lan rất nhanh.
– Trên thân gốc và bề mặt vật liệu nuôi cây có nhiều hạch nấm tròn to, nhỏ dầy đặc và lây lan nhanh. Bệnh làm teo gốc, thân lá có đoạn tươi xanh và phần non chết gục như bị luộc trong nước nóng.
– Phòng bệnh: Sử dụng phân hoai mục. Tạo thông thoáng, khô ráo và thoát nước tốt. Xử lý nguyên vật liệu trong vườn ươm bằng các loại thuốc có chứa các hoạt chất như Iprodione (Rovral), Metalaxyl + Mancozeb (Ridomyl Gold 68WG),…
– Trị bệnh bằng các loại thuốc có chứa các hoạt chất: Cyproconazole (Bonanza 100 DD), Difenoconazole (Score 250 EC, Tilt 250 ND).
b. Bệnh thối gốc chảy nhựa
– Bệnh xảy ra trên các vườn mít quá ẩm ướt và có nhiều loại sâu hại chích hút nhựa cây, gây những vết thương và là cơ hội tốt cho nấm xâm nhập.
– Bệnh thể hiện ở vùng gốc có nhiều vết loét, nước dịch từ bên trong chảy rỉ ra, vỏ vùng gốc bị thối từng mảng to, bề mặt lớp gỗ ẩm ướt và thâm đen, lá vàng, rụng và cây chết. Thường khi phát hiện được thì bệnh ở tình trạng nặng, khó chữa trị.
– Cách phòng hữu hiệu nhất là trồng cây trên đất cao ráo, thoát nước tốt. Bảo vệ các thiên địch để hạn chế mật độ sâu rầy gây hại, khi cần thiết dùng các loại thuốc hóa học có chứa các hoạt chất để phun xịt như Metalaxyl + Mancozeb (Ridomyl Gold 68WG), Fosetyl Aluminium (Aliette 800WG).
Sâu hại:
a. Sâu đục thân, đục cành
Thành trùng đẻ trứng trên lá non, trái non sau đó đục vào thân cành. Xịt thuốc trừ sâu có các hoạt chất sau vào giai đoạn ra lá non, trái non như Chlorantraniliprole + Thiamethoxam (Vitako 40WG); Abamectin (Nouvo 3.6 EC).
b. Ruồi đục trái
Đẻ trứng vào trái già, gây thối nhũn trái. Nên dùng chất dẫn dụ sinh học để diệt ruồi đực. Bao bọc trái hay xịt thuốc có các hoạt chất diệt ruồi như Etofenprox (Trebon 10 ND), Deltamethrin (Decis 2.5 EC),…
c. Sâu đục trái
Gây hại nặng trên mít làm giảm chất lượng và sản lượng. Thường ở các phần tiếp giáp các trái hay giữa trái tiếp giáp với thân, bị gây hại nặng nhất. Trái có thể bị hư hỏng hay bị rụng sớm. Không nên dùng biện pháp xử lý thuốc hóa học mà dùng biện pháp sinh học để phòng trừ sự gây hại hay bao trái vào cuối giai đoạn trái rụng sinh lý.
d. Rầy, rệp
Có rất nhiều loài gây hại trên mít, chúng chích hút nhựa lá non, đọt non, trái làm lá quăn queo, cây chậm lớn, trái dị hình và kèm theo là nấm đốm bồ hóng tấn công làm giảm khả năng quang hợp của cây và trái không đẹp. Khi trồng ở nơi cao ráo thường bị rệp sáp tấn công ở phần gốc và rễ. Dùng các loại thuốc hóa học có các hoạt chất sau đây để trị rầy rệp khi điều tra có mật số cao: Fenobucarb (Bassan 50 EC), Methidathion (Supracide 40 EC),…
5.3. Phòng ngừa hiện tượng xơ đen:
Giống cây mít Thái Lan thường bị xơ đen, da không bóng, hình dạng bên ngoài vẫn phát triển bình thường. Trên cùng một cây có thể có trái bệnh, trái không bệnh. Nguyên nhân có thể do thiếu canxi – do mưa quá nhiều khiến canxi trong đất bị hao hụt. Do đó, trước khi cây ra hoa và trong thời gian ra hoa, cần bổ sung canxi cho mít. Loại canxi tốt nhất là canxi lỏng, phun lá và tưới gốc giai đoạn mít ra nụ và cứ định kỳ 2 tháng phun lại 1 lần đến khi thu hoạch.