Thời gian gần đây, việc nuôi chim trĩ ngày càng được nhân rộng ra nhiều địa phương. Giá trị kinh tế đem lại khá lớn, nhưng đòi hỏi người nuôi phải bỏ nhiều thời gian tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc. Hãy cùng tìm hiểu đặc điểm và cách nuôi chim trĩ thành công cùng Thành Công Farm nhé.
Danh Mục Bài Viết
Chim Trĩ Là Gì?
Chim trĩ đỏ khoang cổ thuộc phân loài trĩ đỏ, sống ở khu vực miền Bắc nước ta. Đây là giống chim đẹp và hiếm với phần đuôi dài và nhỏ, bộ lông có nhiều màu sắc đẹp.
Chim trĩ đỏ là loại chim được rất nhiều người ưa chuộng, săn đón bởi màu sắc bộ lông. Đồng thời chim trĩ đỏ còn mang đến giá trị kinh tế cao cho người nuôi.
Chim Trĩ đỏ khoang cổ thuộc Họ Trĩ (Phasianidae), thuộc lớp chim (AVES), bộ gà (Galliformes). Chim trĩ đỏ khoang cổ có tên khoa học là Phasianus colchicus Linnaeus. Đây là loại chim quý hiếm được liệt vào Sách đỏ Việt Nam.
Đặc điểm sinh học chim trĩ đỏ
Chim trĩ đực trưởng thành có đầu, họng và trước cổ xanh lục. Phần còn lại của chim có màu nâu đỏ và nâu vàng với các chấm đen. Phần dưới cơ thể, đặc biệt là phần ngực chim có màu tối hơn. Với chim trĩ cái trưởng thành lông có vằn, màu nâu điểm các chấm đen. Phần mắt chim trĩ cái có màu nâu đỏ, da trần ở mặt đỏ tươi, mỏ và chân màu ngà.
Chim trĩ đỏ thường sống ở vùng đồi núi thấp, có độ cao lên tới 800m. Tại những nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm và rừng thông.
Phân bố trong tự nhiên
Chim trĩ đỏ khoang cổ phân bố tại nhiều tỉnh phía Bắc Việt Nam
Tại Việt Nam, chim trĩ đỏ khoang cổ phân bố tại các tỉnh phía Bắc như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lào Cai, Quảng Ninh, Yên Bái. Tại Lâm Đồng, chim trĩ đỏ được tìm thấy trong những cánh rừng ở BiDoup Núi Bà. Ngoài ra trong quá khứ còn thấy xuất hiện ở vùng đồi núi thấp huyện Đức Trọng – Lâm Đồng.
Trên thế giới, chim trĩ đỏ khoang cổ được tìm thấy ở vùng Đông Nam của Trung Quốc.
Có thể nuôi chim trĩ làm cảnh được không?
Bạn hoàn toàn có thể nuôi chim trĩ đỏ để làm cảnh bởi loài chim này có bộ lông màu sắc sặc sỡ. Mang đến vẻ đẹp, cũng như rất thu hút người nhìn.
Bên cạnh là loài chim đẹp với bộ lông sắc màu thì chim trĩ đỏ còn khá dễ nuôi. Chúng rất ít khi mắc bệnh, nếu có cũng chủ yếu là bệnh phổi rất dễ điều trị. Đặc biệt, thức ăn của chim trĩ đỏ khá đa dạng, dễ kiếm. Ngoài thức ăn chuyên dụng thì loại chim có thể ăn rau xanh, cây chuối, trái cây.
Chim trĩ đỏ lớn rất nhanh và có khả năng đề kháng rất cao, ít mắc bệnh. Chúng có thể sống trong nhiệt độ từ – 32 đến 46 độ C.
Ý Nghĩa Của Chim Trĩ Trong Phong Thuỷ
Chim Trĩ là loài vật có đuôi dài, không xòe ra và nhiều màu sắc như đuôi chim công nhưng có một số con có màu sắc đẹp và nổi bật. Nhìn vào nó người ta nghĩ ngay đến sự cao quý, trang nhã. Trĩ là 1 trong 12 huy hiệu của các bậc Đế vương, biểu tượng của Hoàng hậu.
Ý nghĩa chim trĩ trong phong thủy là biểu tượng của sự son sắt, chung thủy, tình nghĩa gắn kết bền chặt. Đa số khi bắt gặp hình ảnh 1 đôi chim Trĩ chúng ta nghĩ ngay đến hình tượng cho đôi phu thê có cuộc sống hôn nhân, hạnh phúc viên mãn. Theo sự tích vào đời Vua Hùng, có đem cống qua nước phương bắc một con chim Trĩ, khi đến đó, nó luôn luôn tìm cành cây nào có ngọn về phương Nam thì nó mới chịu đậu, ý rằng luôn hướng về quê nhà. Từ đó hình ảnh chim Trĩ mang ý nghĩa luôn hướng về cội nguồn, liên tưởng đến hình ảnh quê hương.
Hình ảnh chim Trĩ được khắc tạc hay đắp nổi lên nhiều dòng vật phẩm. Trong đó có gốm sứ nói chung và bình hút lộc nói riêng. Những vật phẩm này thường được dùng làm quà tặng cho người chuẩn bị đi công tác hoặc xa nhà.
Trong phong thủy, chim trĩ là biểu tượng khăng khít, gia đình hòa thuận ấm êm. Người đi xa có thể trở về. Giúp mọi người trong gia đình đoàn kết yêu thương lẫn nhau.
Kỹ Thuật Nuôi Chim Trĩ Thành Công Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Chuồng nuôi chim trĩ
Bước đầu tiên để nuôi chim trĩ là phải làm chuồng.
Chuồng nuôi chim trĩ có thể tận dụng khoảng trống trong vườn. Nơi giáp các công trình có sẵn một vách tường. Chuồng nuôi cần lợp mái bờ lô hay tôn ở phía trên. Hoặc tận dụng các bán mái đã có sẵn ở nhà.
Xung quanh cần phủ kín lưới lại hết. Tại vì đây là chim nên nó sẽ bay thất thoát ra ngoài và khó quản lý. Cho nên tất cả những chỗ nào mà hở là ta phải rào lưới kín luôn, không được để trống chỗ nào hết.
Lưới rào phải đủ chắc và có kích thước lỗ vừa phải. Nên chọn vị trí có thể để chừa tầm nhìn ra bầu trời. Để đón ánh nắng. Bởi vì bất kì vật nuôi nào cũng cần một lượng ánh nắng nhất định để phát triển tốt. Hơn nữa là chim trĩ cũng rất hay tắm nắng.
Nếu có điều kiện thì nên xây tường lửng khoảng 80 – 100 cm để tránh các loài bò sát hay con vật gì đó qua lưới tấn công chim trĩ.
Khi mà mình nuôi nhốt ở trong nhà giống kiểu nuôi công nghiệp thì đương nhiên chim tri sẽ hay bị bệnh hơn. Sức chống chịu kém hơn nên phải dùng thêm thuốc phòng và chữa bệnh. Từ đó kéo theo chi phí chăn nuôi tăng lên.
Các vật dụng khác
Để chim trĩ khỏe mạnh thì thứ nhất là cần đa dạng nguồn thức ăn. Thứ hai là cần phơi nắng. Đa dạng nguồn thức ăn ở đây là vẫn ưu tiên côn trùng là chính, cám là phụ.
Trong khu nuôi cũng cần bố trí các giá, giàn đỡ, cây đỡ để chim trĩ nhảy lên đứng hoặc rỉa lông.
Chim trĩ ở các trại giống thường được cắt mỏ. Tuy nhiên khi cắt mỏ thì cũng khá tội bởi việc mổ thức ăn sẽ trở nên khó hơn. Nếu không cắt mỏ thì giải pháp tránh cho chim trĩ cắn mổ lẫn nhau khi lớn là đeo kính. Đây là giải pháp không mới mà thị trường đã áp dụng rồi.
Một diện tích làm khu nuôi khoảng 20 mét vuông. Nếu chúng ra đầu tư chuồng trại thì mất tầm 2 – 3 triệu nếu tận dụng các vật liệu cũ. Nếu mua mới thì rơi vào tầm 5 triệu.
Con Giống Chim Trĩ
Về con giống thì các bạn cũng đừng ham mua nhiều một lúc để nuôi. Nên nuôi từ từ dần dần và chỉ nuôi trước 5 – 10 cặp thôi. Để ta lấy kinh nghiệm cho việc chăn nuôi trước. Giống như nuôi chim cút, ban đầu chỉ nên nuôi 100 – 200 con rồi mình mới có 1000 – 2000 con.
Tại vì mỗi một địa phương, mỗi một vùng miền, mỗi một khí hậu, thời tiết khác nhau cho nên các bạn hết sức cẩn thận.
Bản thân chim chĩ để đủ điều kiện thả ra khu nuôi thì cần ít nhất một tháng tuổi.
Về dế cho chim trĩ ăn thì mỗi ngày hết khoảng nửa cân đến 1 kg tùy theo số lượng chim trong đàn. Nguồn dế này có thể tự nuôi cũng rất dễ.
Về rau thì nên cho lượng vừa đủ trang nửa ngày hoặc một ngày để chim trĩ ăn hết. Tránh tình trạng thừa sang ngày hôm sau.
Chính vì ăn côn trùng và rau nên vẫn đảm bảo cung cấp được lượng protein hàng ngày cho chim trĩ. Do đó chúng cũng sẽ ăn cám không nhiều. Như vậy chi phí nuôi cũng giảm đi đáng kể và vật nuôi cũng khỏe tự nhiên.
Cách phân biệt chim trĩ trống mái
Bắt đầu từ tháng thứ 2 hoặc thứ 3 trở đi, chúng ta có thể dễ dàng phân biệt được sự khác nhau giữa chim trống và chim mái.
Những chú chim trống, màu lông sẽ chuyển từ nâu nhạt sang đỏ pha. Cùng với sự thay đổi về màu lông, kích thước của những chú chim trống cũng sẽ nổi bật hơn.
Thời điểm này, quan sát sẽ thấy những nhúm lông màu đồng trên cố chim trống. Phía bên dưới là màu xanh lá cây, hoặc màu tím sáng.
Phần lông đuôi chim trống có màu nâu đỏ, pha cùng với các vệt đen hoặc trắng nhạt.
Chim trống trưởng thành có khối lượng khoảng 2 đến 2.5kg. Chiều dài lông đuôi có thể đạt tới 0.6m. Môi trường nuôi và điều kiện chăm sóc sẽ ảnh hưởng lớn đến độ dài lông đuôi.
Ở chim mái, khi đạt 3 đến 5 tháng tuổi sẽ bước vào giai đoạn thay lông. Sau khi thay, bộ lông không có nhiều khác biệt so với trước khi thay. Chủ yếu là màu nâu, tối và có những đốm màu hạt dẻ.
Không giống những chú chim trống, chim mái trưởng thành có trọng lượng 1.5 đến 1.6kg. Phần đuôi chim trĩ mái cũng ngắn hơn chim trống.
Ghép chim trĩ sinh sản
Đối với chim đẻ có thể nuôi ghép bộ một trống ghép bốn mái. Hoặc nuôi quần thể tùy theo điều kiện chuồng trại và hình thức chăn nuôi của hộ gia đình. Tuy nhiên nếu có điều kiện thì nuôi ghép bộ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Mật độ mái dày quá thì con trống thường ghen mái. Khi mà đạp mái thì nó ghen và đánh con mái nên tỷ lệ đạt thấp. Chính vì vậy ghép một trống bốn mái sinh sản tốt hơn và các bạn sẽ mất nhiều thời gian phục vụ hơn.
Chim trĩ xanh thường đẻ vào lúc sáu giờ sáng và 18 giờ chiều. Còn chim trĩ đỏ con mái sẽ đẻ liên tục. Vì vậy cứ hai mươi phút phải nhặt trứng một lần để tránh chúng mổ trứng.
Đeo kính cho chim trĩ
Biện pháp chủ động để ngăn chặn tình trạng này là đeo kính cho từng con chim. Vừa để tránh chúng mổ trứng lại vừa tránh tình trạng các cá thể trong đàn đánh nhau làm chậm sự phát triển.
Đeo kính giúp ổn định đàn, giữa trống và mái không đánh nhau. Khi đeo kính thì con trống sẽ đạp mái một cách thuận lợi, không phải néo con mái. Đạp mái dễ và không bị mất nhiều sức. Tỷ lệ ấp cao.
Khi đeo kính chim trĩ sẽ bị hạn chế tầm nhìn, hạn chế được chỗ đánh nhau. Đặc biệt hoạt động của chim trĩ giảm, ít hao năng lượng nên trọng lượng của chúng sẽ phát triển tốt hơn.
Tuy đã bị chắn phía trước nhưng chim trĩ vẫn đi lại ăn uống bình thường. Loại kính nhựa này dược bán trên tị trường với giá 2000 đồng một chiếc. Tiện lợi và dễ mua, có thể tái sử dụng.
Chim trĩ ăn gì? Thức ăn của chim trĩ
Với chim trĩ vừa nở khỏi trứng, trong 2 tiếng đầu chỉ cho uống nước. Tiếp sau đó cho ăn các loại cám gà tổng hợp cho gà con, hoặc cám dinh dưỡng. Sử dụng các máng ăn và bình uống nước chuyên nghiệp.
Bổ sung các loại rau xanh vào khẩu phần ăn, khi chim trĩ đạt được 7 ngày tuổi. Có thể cắt nhỏ, trộn vào cám hoặc để vào máng ăn.
Sau khi chim đạt 2 tháng tuổi, lúc này có thể coi như chim phát triển hoàn toàn các cơ quan nội tạng và khả năng đề kháng hoàn thiện. Bà con có thể cho chim ăn các loại hạt thóc, bắp, đỗ xanh, … bổ sung các loại rau để chim nhanh lớn.
Bước vào giai đoạn sinh sản, sử dụng các loại cám tổng hợp cho gà mái đẻ để chim trĩ mái ăn. Cho ăn vào sáng sớm mỗi ngày, lưu ý vệ sinh máng ăn sạch sẽ trước khi cho thức ăn tiếp theo vào. Ngoài ra, bà con có thể cho ăn bổ sung các thức ăn tươi như giun quế, cá nhỏ, dế, …
Cách cho chim trĩ ăn dế
Khi cho chim ăn dế, nếu chúng ta rải dế ra nền chuồng thì nhiều khi dế sẽ chui xuống đất. Núp trong các ngóc ngách làm cho chim trĩ khó rượt bắt. Đôi khi sẽ trở thành thất thoát lãng phí nguồn thức ăn. Như vậy thì nên cho chim ăn dế theo cách nào?
Rất đơn giản thôi. Các bạn chuẩn bị một thùng nhựa hoặc thùng xốp, cao tầm bốn mươi cm để dế không nhảy ra ngoài được. Lấy một tấm ván gỗ, gác chéo một đầu tấm ván lên thành thùng.
Như vậy dế sẽ theo đường tấm ván ra ngoài từ từ. Khi đó chim trĩ đến mổ ăn rất dễ dàng.
Bởi vì bản chất chim trĩ, hay gà hay chim cút cũng vậy, chúng đều rất thích ăn côn trùng. Đó là những chia sẻ cho các bạn đang nuôi chim trĩ nuôi thêm dế và cách cho chim trĩ ăn dế. Để đa dạng nguồn thức ăn hơn thay vì cám đơn giản.
Tương tự với ấu trùng ruồi lính đen. Các bạn cũng nên cho ấu trùng vào một khay nhựa. Thực tế thì những con ấu trùng này cũng bò đi và lẩn xuống dưới đất. Nhưng lượng hao hụt không đáng kể bằng dế. Tuy vậy ta cũng nên cho vào khay vừa để giữ vệ sinh vừa để không bị hao mồi.
Tại sao nên cho chim trĩ ăn rau
Chim trĩ không kén rau, các bạn có thể lấy rau ngổ, lục bình, bèo tây, rau muống,… Đại khái rất nhiều loại rau có thể tận dụng mọc ở ao hay trong vườn nhà. Vậy tại sao nên cho chim trĩ ăn thêm rau?
Đó là để tránh đi việc chúng cắn chỗ giật lông của nhau. Với các loại rau lá thì để nguyên cả lá, còn đối với rau nhiều cẫng thì có thể thái nhỏ ra cũng được.
Chim trĩ giống mới mua về từ trại chỉ biết ăn cám nên ta phải tập cho chúng ăn rau và côn trùng dần dần.
Nước uống cho chim trĩ
Sắp đặt các máng uống với số lượng thích hợp. Nước cho chim trĩ uống phải là nước sạch, không được lấy nước bẩn ở ao, hồ. Bởi đó dễ là nguồn bệnh lây cho đàn chim.
Nước uống nên pha thêm một dầu tỏi để chim có sức đề kháng tốt. Với một bình uống 2 lít thì các bạn nên pha thêm vào khoảng 50 ml
Thời kỳ sinh sản và ấp nở con non của chim trĩ đỏ
Để nuôi chim trĩ đỏ trong giai đoạn ấp nở, sinh sản, bạn cần thực hiện theo 1 trong 2 cách sau:
- Cách 1: Sử dụng vật nuôi khác có thân nhiệt và điều kiện ấp nở như: gà tre, gà mái hoa mơ.
- Cách 2: Dùng máy ấp gia cầm, thời gian ấp nở trung bình khoảng 22 ngày. Cần chú ý điều chỉnh nhiệt và độ ẩm phù hợp theo giai đoạn như sau:
- Tuần đầu tiên: Điều kiện nhiệt độ ấp là 37.5 độ C, độ ẩm khoảng 55%.
- Tuần thứT hai: Điều kiện nhiệt độ ấp là 37.3%, độ ẩm 60.
- Tuần thứ ba trở đi: Điều kiện nhiệt độ là 37 độ C, độ ẩm 75%.
Chim trĩ đỏ nuôi đến tháng thứ 8 có thể đẻ trứng. Thời gian đẻ trứng của chim trĩ thường từ đầu tháng 1 âm lịch – tháng 4 âm lịch. Sau thời gian này chim trĩ sẽ ngừng đẻ khoảng 1 tháng, rồi tiếp tục đẻ vào khoảng tháng 8 âm lịch thì nghỉ.
Phòng trị bệnh cho chim trĩ như thế nào?
Trong 2 ngày đầu tiên sau khi nở, cho chim uống thuốc úm gà con để đảm bảo sức khỏe của chim. Tại thời điểm này, sử dụng nước sạch đun sôi để nguội. Liều lượng tuân thủ như hướng dẫn trên bao bì gói thuốc.
Nguyên nhân cần uống thuốc trong giai đoạn này là do chim trĩ cũng như gà con, khi mới sinh thì phần lòng đỏ trong cơ thể còn sót lại. Nếu không uống thuốc, chim non dễ bị tiêu chảy.
Từ ngày thứ 3 trở đi, ngưng cho chim trĩ sử dụng thuốc. Để chim uống nước sạch, có thể bổ sung một số loại vitamin vào nước uống cho chim tăng sức đề kháng.
Để đảm bảo chim khỏe mạnh trong quá trình nuôi, bà con cho chim uống thêm thuốc trị tiêu chảy pha vào nước. Cứ cách 5 ngày thì pha vào nước sạch cho chim uống 1 lần.
Trong thời gian chăm sóc, thường xuyên quan sát phân và biểu hiện của chim để có thể kịp thời xử lý khi chim bị bệnh.
Phòng tránh và trị các loại bệnh ở chim trĩ đỏ
Tuy chim trĩ đỏ có sức đề kháng tốt, tuy nhiên trong quá trình nuôi chúng vẫn có thể gặp một số bệnh như sau:
- Bệnh tiêu chảy, Ecoli: Cần sử dụng vaccin đặc trị Ecoli cho gia cầm. Có thể tiêm hoặc cho uống theo liều lượng hướng dẫn ghi trên bao bì thuốc.
- Bệnh về đường hô hấp như hen phổi, nấm phổi: Sử dụng thuốc đặc trị hen của gà nhỏ trực tiếp với liều lượng dùng bằng 2 lần hướng dẫn trên bao bì. Ngoài ra cần điều chỉnh lại mật độ nuôi, vệ sinh chuồng trại bằng thuốc khử trùng.
- Bệnh sưng mặt: Sử dụng thuốc nhỏ mắt của người, nhỏ từ 3- 5 giọt. Cần phải tiêm kết hợp nếu phát hiện trong mắt chim có giun, sán.
Chim trĩ giống giá bao nhiêu tiền?
Tùy vào từng địa phương và thời điểm, giá chim trĩ có thể thay đổi. Dưới đây là mức giá đưa ra để bà con tham khảo. Trước khi quyết định chọn mua, bà con nên tham khảo kỹ cơ sở chăn nuôi, và uy tín của trang trại nuôi để quyết định đầu tư.
Giá dưới đây tính trên đơn vị 1 con
- Chim dưới 1 tuần tuổi : 40 nghìn/ 1 con
- Từ 1 đến 2 tuần tuổi : 70 nghìn/ 1 con
- Từ 2 đến 3 tuần tuổi : 80 nghìn / 1 con
- Từ 3 tuần đến 1 tháng tuổi là 90 nghìn / 1 con
- Từ 1 đến 2 tháng tuổi là 150 nghìn/ 1 con
- Từ 2 đến 3 tháng tuổi là 250 nghìn / 1 con
- Từ 3 đến 4 tháng tuổi là 300 nghìn / 1 con
- Từ 4 đến 5 tháng là 350 nghìn / 1 con
- Từ 5 đến 6 tháng (hậu bị) là 400 nghìn/ 1 con
- Từ 6 đến 7 tháng (giai đoạn có thể sinh sản) là 450 nghìn / 1 con
Kinh nghiệm nuôi chim trĩ thành công
- Chúng tôi rất ấn tượng khi đến tham quan trang trại nuôi chim trĩ lớn nhất tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu của anh Phan Minh Châu (36 tuổi), ở tổ 2, thôn Sơn Hòa, xã Xuân Sơn (H. Châu Đức, T. Bà Rịa Vũng Tàu) bởi tận mắt thấy hàng trăm con chim trĩ đang sinh sống trong những dãy lồng. Trao đổi với chúng tôi, anh Châu cho hay, vào ngày 15/7/2009, anh đã phải lặn lội đến H. Gò Công Đông (T. Tiền Giang) mua 15 con chim trĩ 1 kg/con (5 trống và 10 mái). Đến nay anh đã bán được 200 triệu đồng mà đàn chim trĩ vẫn còn hơn 150 con.
- Chuồng nuôi chim trĩ được anh Châu chia thành nhiều ô khác nhau để tiện cho công tác quản lý và theo dõi bệnh tật cũng như quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng: rộng 3,5 m x dài 6 m x cao 2,5 – 2,8 m, được chia làm 7 ô, mỗi ô nuôi 1 con trống và 2 con mái. Tường vây có thể xây hoặc dùng lưới B40, lưới mắt cáo. Trên mái lợp sử dụng các loại tấm lợp fibro xi măng hoặc vật liệu rẻ tiền sẵn có tại địa phương, miễn sao đảm bảo chim không thoát ra ngoài.
- Chim trĩ là loài chim sinh sản nhanh nhưng không có khả năng ấp trứng, nếu nuôi nhiều phải mua máy ấp trứng. Mỗi năm chim trĩ đẻ khoảng 90 trứng, nhiệt độ ấp trứng là 37,5 độ, ngoài ra phải phun nước nhiều vào những ngày gần nở. Trứng chim trĩ ấp 25 ngày là nở. Với chim non từ 1 – 3 ngày tuổi gần như không cho ăn mà chỉ cho uống colitera: nuôi, úm trong chuồng lưới mắt cáo hoặc rải trấu, hạn chế tiếp đất, nuôi ở nơi kín gió và đảm bảo tốt nhất về công tác vệ sinh và cách ly phòng ngừa bệnh dịch. Chim non nuôi 8 tháng sau sẻ sinh sản. Thức ăn chủ yếu là bắp, lúa hoặc cám gà, ngoài ra phải bổ sung rau, giá và các loại côn trùng. Đặc biệt, phải tiêm vaccin phòng bệnh. Ngoài ra chim thường mắc các bệnh hô hấp, tiêu chảy, đỏ mắt và gumboro, tất cả rất đơn giản, chỉ cần mua thuốc cho uống là khỏi. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại định kỳ 2 – 3 lần/tuần. Phun thuốc khử trùng định kỳ…”, anh Châu chia sẻ.
Lưu ý khi nuôi chim trĩ
Lưu ý khi nuôi chim trĩ kỳ này: Nếu bạn là người lần đầu tiên nuôi chim trĩ thì nên mua con giống với số lượng hợp lý. Không nên mua con giống và nuôi với số lượng lớn ngay từ lần đầu tiên. Thực tế, nếu nuôi thành công, từ vài cặp chim trĩ bố mẹ ban đầu bạn sẽ nhanh chóng nhân đàn chim trĩ lên rất nhanh. Bởi mỗi con chim trĩ mái mỗi ngày sẽ đẻ 1 trứng và duy trì tình trạng đẻ trứng suốt 10 tháng trong năm.
Mới tập nuôi chim quý tộc này bạn cũng nên mua chim trĩ giống (có thể là chim non hoặc mua chim trĩ bố mẹ), không nên mua trứng chim trĩ về nhà tự ấp hoặc cho vào ổ cho gà mái nó ấp, tỷ lệ nở sẽ không cao.
Bà con muốn nuôi chim trĩ cần nắm chắc các kỹ thuật nuôi chim trĩ trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình…
Với những thông tin từ bài viết bạn đọc phần nào hiểu rõ được chim trĩ đỏ từ cách chọn giống, nuôi, chăm sóc, phòng bệnh. Mong rằng từ những thông tin từ bài viết bạn đọc sẽ tự tin hơn trong quá trình nuôi chim trĩ đỏ theo nhiều mục đích hiệu quả.