Nấm mèo hay còn gọi là nấm mộc nhĩ đen được rất nhiều người ưa chuộng bởi thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khá cao bao gồm chất đạm, đường, béo, vitamin…. Bên cạnh đó nấm còn có dược tính trong trị một số bệnh. Nấm mèo có thể trồng trên nhiều giá thể khác nhau, tuy nhiên phổ biến nhất là trồng trên thân cây gỗ và mạt cưa. Trong bài viết này Thành Công Farm sẽ giúp bạn cách trồng nấm mèo đơn giản mà mang lại năng suất cao.

Nấm Mèo Là Gì?

Nấm mèo hay còn gọi là nấm tai mèo, mộc nhĩ đen, có tên khoa học là Auricularia auricular, có màu nâu sẫm đến đen, mọc trên các thân cây mục. Nó có kết cấu tựa cao su, tương đối cứng và giòn.

Nấm mèo có dạng một vành tai, chân nấm thường rất ngắn, và ngắn nhất nếu so với các loại nấm ăn thông thường khác. Các tai nấm có nhiều nếp cong, và các gờ giống như việc tai mèo có nhiều tĩnh mạch. Đó cũng là lý do vì sao, nó được gọi là nấm mèo.

Khi nấm còn tươi sẽ mềm, có một màng nhung trắng mỏng che phủ bề mặt trong của nấm. Sau khi được phơi hoặc sấy khô, nấm dai, và cứng.

Giá trị dinh dưỡng của nấm mèo

Nấm  mèo chứa nhiều chất bổ dưỡng, nhất là sinh tố và khoáng chất. Trung bình trong 100g mộc nhĩ có chứa 10,6 g protid; 0,2g lipid; 65,5g glucid; 201g calci; 185mg phospho; 185mg sắt; 10,03mg caroten; 0,15mgvit B1; 0,55mgvit B2; 2,7mgvit PP.

Tác dụng của nấm mèo ( Mộc nhĩ)

  • Chữa mỡ máu cao, chống nghẽn mạch
  • Chữa chứng ho hen, đờm suyễn, miệng khô, sắc mặt tái xanh, tay chân lạnh
  • Chữa hư lao khạc ra máu
  • Chữa đại tiểu tiện ra máu
  • Chữa tăng huyết áp, bệnh mạch vành
  • Chữa trĩ ra máu
  • Chữa kinh nguyệt ra nhiều, máu kinh không cầm, sắc màu tươi rói, tâm phiền miệng khát, tiểu tiện vàng ít, cũng như huyết nhiệt rong kinh, dầm dề, trường phong ra huyết
  • Chữa đại tiện không thông
  • Chữa bệnh mạch vành, di chứng tai biến mạch máu não, chứng cao mỡ máu và tình trạng máu đông nhiều

Thời vụ trồng nấm mộc nhĩ

Ở miền Bắc, tháng 3 đến tháng 8 dương lịch được coi là thời điểm thích hợp nhất để trồng mộc nhĩ. Còn ở trong Nam, mộc nhĩ có thể được trồng và canh tác quanh năm.

Điều kiện môi trường cho mộc nhĩ phát triển tốt

  • Nhiệt độ: 25-28 độ C là nhiệt độ thích hợp trong giai đoạn nuôi sợi. Đến giai đoạn quả thể cần nhiệt độ từ 28-30 độ C
  • Ẩm độ môi trường: cần tạo môi trường có ẩm độ 65-70%. Độ ẩm không khí khoảng 80-85%. Đến giai đoạn nuôi quả thể cần ẩm độ > 85%.
  • Điều kiện ánh sáng: Thời kỳ nuôi sợi không cần ánh sáng mạnh (ánh sáng mờ đọc sách được). Thời kỳ chăm sóc cần ánh sáng vừa phải. Mộc nhĩ sẽ đen nếu ánh sáng mạnh, mộc nhĩ trắng nếu ánh sáng tối.
  • Độ pH của môi trường: pH từ 6-6,5.

Hướng dẫn cách trồng mộc nhĩ bằng túi mạt cưa

cách trồng mộc nhĩ bằng mạt cưa

Trồng mộc nhĩ trong túi mạt cưa còn được gọi là trồng trong bịch ny lông. Đây là cách trồng mới nhất ít tốn công chăm sóc, ít tốn mặt bằng lại cho thu hoạch nhanh. Mặt khác nguyên liệu nuôi trồng cũng dễ tìm, nhẹ vốn. Vì mạt cưa và thức ăn bổ sung cho tơ mộc nhĩ không hiếm. Tuy nhiên, nếu sản xuất với quy mô lớn cần có nhiều kinh nghiệm và nhiều vốn để đầu tư hơn. Cách trồng mộc nhĩ bằng túi mạt cưa này bạn có thể thử nghiệm trước với quy mô nhỏ.

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu

Có thể dùng nhiều loại mạt cưa của những cây không chứa tinh dầu. Nhưng để nuôi trồng mộc nhĩ tốt nhất thì nên dùng mạt cưa Cao Su. Dùng mạt cưa đã ủ kỹ một thời gian sẽ tốt hơn mạt cưa tươi. Đầu tiên mạt cưa cần phải phơi khô rồi sàng lấy phần mịn. Sau đó tưới nước cho ẩm rồi ủ và vun cao thành đống ủ trong vòng nửa tháng. Đối với những loại mạt cưa gỗ mềm, nên thêm một lượng vôi 0,5% vào đống ủ để mau lên men. Với mạt cưa gỗ cứng thì phải mất từ 4–5 tháng ủ và đảo trước sau. Trong thời gian này thường xuyên đảo mạt cưa, khoảng tầm chục lần mới dùng được.

kỹ thuật trồng nấm mộc nhĩ (nấm mèo)

Ngoài ra, có thể bổ sung thêm 1 số dưỡng chất khác cho mạt cưa như cám gạo, hột hoặc lõi bắp, thân cây bắp nghiền nhuyễn, vôi trắng, phân Urê hoặc Super photphat. Trộn lẫn tất cả các thành phần trên với nhau rồi cho vào bịch nilon loại dày. Loại nilon này cần có khả năng chịu nhiệt cao. Vì trong quá trình nuôi trồng phải qua khâu hấp khử trùng trong suốt nhiều giờ với nhiệt độ cao.

Bước 2: Cho môi trường vào bịch nilon

Mỗi bịch nilon đựng 1kg hỗn hợp mạt cưa và nén chặt chúng xuống. Sau đó, đạy giấy cứng lên để bịt miệng rồi buộc chặt bao. Tạo một lối thông từ miệng bịch xuống đáy bịch bằng cách dùng chiếc đũa đâm thẳng xuống. Tiếp tục lấy một nắm bông sạch đậy chặt miệng bịch lại là xong. Đặt các bịch nilon này vào lò áp suất để thanh trùng trong 3 – 4 giờ với nhiệt độ cao.

Xem Thêm:   Kỹ Thuật Trồng Gừng Chi Tiết | Năng Suất Cao Ít Bệnh

Bước 3: Cấy giống vào bịch môi trường đã thanh trùng

Khi thanh trùng xong những bịch nilon đựng môi trường, để nguội rồi mới cấy meo giống vào. Thực hiện cấy meo trong căn phòng đặc biệt sạch sẽ được trang bị thiết bị vô trùng và đèn cực tím. Đổ vào bịch môi trường  một lượng nhỏ meo giống rồi đậy kín nút lại là xong. Chuyển những bịch đã được cấy meo vào phòng tối. Để nguyên trong suốt 3 tuần và duy trì nhiệt độ phòng trong khoảng 25–30oC. Sau thời gian này, có thể mở thông thoáng cửa phòng. Vì các tơ mộc nhĩ bên trong đã có đủ thời gian để phát triển trắng cả bịch.

Bước 4: Giai đoạn nuôi trồng và thu hoạch mộc nhĩ

Môi trường nuôi trồng mộc nhĩ phải thật mát mẻ. Tốt nhất nên dùng nhà lợp lá, chung quanh là vách lá, cót hoặc cà tăng. Để ngăn ngừa côn trùng và vi khuẩn xâm nhập phá hoại và mọc lên các loại mộc nhĩ dại, nên vệ sinh nền nhà sạch sẽ. Thường xuyên tận diệt chuột và kiến. Cứ vài giờ lại tưới nước khắp nền nhà nuôi mộc nhĩ để duy trì độ ẩm tốt nhất.

cách trồng nấm mộc nhĩ

Trong tuần đầu tiên, không nên tưới nước vào các bịch mộc nhĩ. Bởi vì các nụ mộc nhĩ còn rất non nếu gặp nước dễ bị thối. Một tuần sau khi rạch bao tiến hành tưới phun sương vào mỗi bịch mộc nhĩ. Những bịch nào chưa có mộc nhĩ xuất hiện thì tưới nhiều hơn 1 chút. Tùy độ ẩm môi trường, tưới mỗi ngày 1 lần nếu ẩm độ tốt còn nếu khô thì ngày tưới 2 lần.

Bước 5: Thu hoạch và bảo quản mộc nhĩ

Sau khi rạch bao được 1 tuần sẽ bắt đầu xuất hiện những nụ mộc nhĩ non. Có thể tiến hành thu hái mộc nhĩ vài ba ngày một lần. Đợt đầu mộc nhĩ sinh trưởng phát triển tối đa, có thể thu hoạch một vài tháng mới hết. Sau lượt thu hoạch này, cứ giữ vệ sinh và để cho bịch khô khoảng 1 tuần. Sau đó tiếp tục tưới lại và mộc nhĩ sẽ ra đợt hai vào tuần tiếp theo. => Cách trồng nấm kim châm tại nhà, cho thu hoạch chỉ sau 2 tuần

Trồng mộc nhĩ, Nấm mèo trên thân cây gỗ:

Bước 1: Chọn gỗ và nhà xưởng

Lựa chọn thân cây gỗ trồng mộc nhĩ

Với cách trồng mộc nhĩ trên thân cây gỗ này, cần lựa chọn những thân cây còn tươi. Tốt nhất là 5 – 7 ngày sau khi chặt cây thì cấy giống để cây chảy bớt nhựa. Chọn các loại thân gỗ mềm xốp, không độc, không có tinh dầu và có nhựa mủ màu trắng. Một số loại thân gỗ thích hợp trồng nấm như thân cau, thân dừa, bồ đề, si, sung, mít,…Từ thân đến các gốc thân đều có thể nuôi trồng mộc nhĩ, miễn là có đường kính từ 5cm trở lên. Cắt chúng ra thành đoạn độ dài khoảng 1,2 – 1,5m và có đường kính 10 – 20 cm.

cách trồng mộc nhĩ bằng thân gỗ

Lựa chọn nhà xưởng nuôi trồng mộc nhĩ

Nên để các đoạn gỗ đã chuẩn bị vào các  các phòng bỏ không, nhà xưởng,.. Có thể dùng tạm lán dưới các tán cây lớn để che được mưa, nắng, kín gió, có nền sạch sẽ và dễ thoát nước. Ở miền núi hoặc các vùng trung du, có thể tận dụng các hang đá hoặc các hầm ở sườn đồi. Các hầm này cần có độ sâu từ 60 – 80 cm với vát ra ngoài khoảng 100 cm. Phía trên được lợp bằng tre, nứa, rơm rạ hoặc cỏ tranh…

Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ và giống

Nên dùng búa chuyên dụng tạo lỗ trên thân cây để cách trồng mộc nhĩ trên cây gỗ được hiệu quả. Chuẩn bị sẵn bình phun nước, một số chiếu cũ hoặc bao tải gai đã được giặt sạch, phơi khô để làm vật che phủ đống ủ. Giống mộc nhĩ cần lựa chọn cẩn thận, không dùng giống quá non hay quá già. Tốt nhất là nên chọn những chất giống trắng đều từ trên xuống.

Bước 3: Tiến hành cách trồng mộc nhĩ trên thân gỗ

Sau khi chặt các thân gỗ thành thành từng đoạn dài 1,2 – 1,5m. Pha dung dịch nước vôi đặc rồi nhúng hai đầu đoạn gỗ vào để ngăn chặn mốc bệnh phát triển. Các chỗ xây xát trên thân cũng cần được bôi nước vôi. Các đoạn gỗ đã bị sâu bệnh đục phá hoặc nấm mốc bên trong cần phải loại bỏ.  Dùng búa tạo lỗ trên thân gỗ. Mỗi lỗ có độ sâu độ 2 – 2,5cm và cách nhau 12 – 15cm. Các hàng lỗ so le và cách nhau 7 – 8cm. Tra giống vào các lỗ sao cho cho đầy 2/3 chiều sâu, rồi đậy kín lại bằng các phôi gỗ. Trên các mặt lỗ đã được lấp kín bởi phôi gỗ này dùng xi măng hòa đặc vừa phải để quét lên. Cách làm này để tránh các loại nấm, mốc xâm nhập vào thân cây.

Bước 4: Chăm sóc và thu hoạch

Sau khi tra giống xong, tiến hành kê gạch để gỗ cách nền độ 15 – 20 cm. Lưu ý xếp theo hình khối cao tới 1,5m. Phủ các bao tải hoặc chiếu cũ đã được làm ướt lên trên cùng. Tưới nước hàng ngày để giữ ẩm cho lớp phủ. Không nên tưới quá nhiều gây úng và làm giống bị chết.

quy trình trồng nấm mộc nhĩ đơn giản tại nhà

Sau 15 – 20 ngày, đảo đều lại đống ủ, sau đó ủ tiếp khoảng 15 – 20 ngày nữa. Để tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch thì khi mộc nhĩ mọc nên chuyển những đoạn gỗ này ra khu vực khác. Nên hái trước những cây to, mép xoăn. Những cây còn nhỏ thì để lại. Quá trình thu hái và chăm sóc sẽ kéo dài trong 6 – 8 tháng liên tục. Vẫn phải tưới nước sạch thường xuyên trong suốt giai đoạn này. Cứ sau khoảng 15 – 20 ngày lại tiến hành đảo gỗ một lần. Đảo đều từ ngoài vào trong và từ trên xuống dưới để đảm bảo độ ẩm đồng đều. Để cây mộc nhĩ có màu nâu sẫm cần điều chỉnh ánh sáng phù hợp theo tình trạng phát triển. Mộc nhĩ hơi trắng là đang thiếu ánh sáng, mộc nhĩ hơi đen là đang bị sáng quá.  Nên thường xuyên làm vệ sinh sạch nền nhà và khu vực quanh nơi chất gỗ. Cách trồng mộc nhĩ trên thân gỗ này cho thu hoạch trung bình 20 – 25kg mộc nhĩ khô trên 1 m khối gỗ. Khi kết thúc vụ nuôi trồng, những thân gỗ này có thể tận dụng để tận thu một năm nữa hoặc làm củi đun. => Học cách tự trồng nấm bào ngư tại nhà

Xem Thêm:   Cách Trồng Nấm Linh Chi Đúng Kỹ Thuật Giá Trị Cao

Hướng dẫn cách trồng nấm mèo trên rơm

Bước 1: Chuẩn bị rơm rạ

Với kỹ thuật trồng mộc nhĩ bằng rơm, rơm rạ chính là môi trường chính nuôi mộc nhĩ phát triển. Chính vì vậy cần phơi thật khô rơm rạ rồi đem chặt từng khúc nhỏ khoảng 5-6 cm. Sau đó đem ngâm vào nước cho mềm, vớt ra để ráo.

trồng nấm mèo bằng rơm rạ

Rơm rạ là môi trường nấm phát triển tốt, nhưng chúng không cung cấp đủ dưỡng chất cho cây. Do đó ta phải trộn thêm các thành phần khác như vôi, phân chuồng, phân bón tổng hợp Super lân,…. Sau đó chất cao thành đống và nén chặt xuống ủ kín (dùng nilon phủ lên trên bề mặt rơm). Ủ như vậy khoảng 3-4 thì mở tấm phủ lên để xáo đều rơm. Xáo từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài, càng kỹ càng tốt. Sau đó lại chất đống ủ tiếp, cứ vài ngày lại đảo kỹ. Khoảng ba bốn lần đảo thì rơm rạ đó đã đủ tiêu chuẩn để đem trồng nấm mộc nhĩ.

Bước 2: Tiến hành cách trồng mộc nhĩ bằng rơm rạ

  • Phải vệ sinh và tẩy uế khu vực cấy giống trước khi tiến hành cấy giống nuôi sợi. Rắc vôi bột xung quanh nhà nuôi sợi
  • Tiến hành cấy giống vào rơm rạ đã chuẩn bị, chất thành đống cao và ủ. Khoảng 3-7 ngày sau khi cấy giống nên kiểm tra các bịch nấm. Nếu thấy bị nhiễm mốc đỏ, vàng hay xanh thì phải loại bỏ ngay. Bỏ xa khu vực nuôi trồng để tránh lây lan.
  • Một tuần sau khi ủ tiến hành tưới phun sương vào rơm rạ. Những khu vực nào chưa có mộc nhĩ xuất hiện thì tưới nhiều hơn 1 chút. Tùy độ ẩm môi trường, tưới mỗi ngày 1 lần nếu ẩm độ tốt còn nếu khô thì ngày tưới 2 lần.

thu hoạch nấm mèo

  • Để ủ và chăm sóc suốt 3 tuần và duy trì nhiệt độ phòng trong khoảng 25–30oC. Sau thời gian này, có thể mở thông thoáng môi trường nuôi cấy. Vì các tơ mộc nhĩ đã có đủ thời gian để phát triển trắng.
  • Đợt đầu mộc nhĩ sinh trưởng phát triển tối đa, có thể thu hoạch một vài tháng mới hết. Sau lượt thu hoạch này, cứ giữ vệ sinh và để cho rơm tạ khô khoảng 1 tuần. Sau đó tiếp tục tưới lại và mộc nhĩ sẽ ra đợt hai vào tuần tiếp theo
  • Sau khi thu hoạch nấm môc nhĩ, ta có thể tận dụng phế phẩm để làm nấm rơm tại nhà

Các vấn đề thường gặp trong quá trình trồng nấm mèo

Cách trồng mộc nhĩ bằng rơm, mạt cưa đôi khi nấm sẽ chỉ mọc xung quanh khu vực được cấy giống. Trong quá trình phát triển có thể xuất hiện một loại nấm mốc, từ màu trắng sau chuyển sang màu vàng. Nguyên nhân do môi trường trồng quá ẩm ướt. Có thể khắc phục bằng cách rửa nền nhà bằng nước vôi đặc. Đặc biệt không nên để nước đọng quá lâu ở nền nhà. Đôi khi cũng có thể xuất hiện nấm lạ do khi cấy giống vệ sinh không tốt.

Cách khắc phục là quét nước vôi 1% lên các đầu gỗ. Mộc nhĩ lên nhiều nhưng có thể bị thối rữa hàng loạt. Nguyên nhân chính là do côn trùng phá hoại và vi khuẩn gây bệnh. Hạn chế tình trạng này bằng cách vệ sinh sạch sẽ và ngừng cấp nước trong vòng 7-10 ngày.

Cách chế biến nấm mèo

Sơ chế đúng cách an toàn

Nấm mèo tươi có chứa chất nhạy cảm với ánh sáng “morpholine“, rất nhiều trường hợp ăn xong nấm mèo rồi tiếp xúc ngay với nắng gây ngứa ngấy khắp người, rất khó chịu. Nếu gặp những trường hợp di ứng nặng thì có thể dẫn đến hoại tử da.

Mọi người nên lưu ý là không nên ăn nấm mèo tươi ngay sau khi hái trên cây, giá thể bịch nuôi trồng mà phải phơi qua nắng để nấm khô đi, sau đó mới có thể sử dụng.

Nấm mèo khô thì trước tiên cần phải ngâm nước cho nấm nở đều, với thời gian khoảng 30 phút, nếu cần ngâm lâu cũng không nên quá 3 – 4 tiếng. Tránh ngâm quá lâu hoặc để qua đêm, sẽ dẫn đến sản sinh nhiều chất độc trong nấm, có hại cho sức khỏe.

Không nên sử dụng nước nóng để ngâm cho nấm mau nở, đây là việc làm sai lầm vì tuy nấm có nhanh nở hơn khi ngâm với nước lạnh nhưng chất morpholine trong nấm lại không có nhiều thời gian để trung hòa.

Ngâm nấm mộc nhĩ trong nước mát khoảng 30 phút. Nấm mèo sau khi phơi khô dùng để chế biến món ăn sẽ có mùi thơm và dai hơn

Nếu bạn ngâm quá nhiều nấm và dùng không hết có thể đem phơi khô sau đó đóng túi kín bảo quản để sử dụng lại cho có dịp chế biến sau.

Hiện nay trên thị trường có một số loại nấm mèo khô ở các dạng thô khác nhau, nên sau khi ngâm nước nếu nấm còn chân nên dùng dao cắt sạch. Với nước ngâm nấm mèo nếu có nhiều tạp chất nên đổ đi và rửa lại nấm bằng nước mát.

Món ngon từ nấm mèo

Trứng chiên đậu phụ nấm mèo

Chuẩn bị

  • 5 quả trứng
  • 1 thanh đậu phụ
  • 2 tai nấm mèo

Thực hiện

  • Đập trứng ra bát cho gia vị khuấy đều
  • Đậu phụ dằm nhuyễn khuấy cùng trứng
  • Mộc nhĩ ngâm nước lạnh cho nở, thái nhỏ trộn cùng trứng và đậu phụ, cho một xíu mắm, mì chính khuấy đều
  • Bắc chảo dầu để nóng dầu vặn nhỏ lửa, lấy muôi to múc hỗn hợp trứng đổ vào chảo thành miếng tròn như bánh rán, lật qua lại khi có màu vàng giòn là được
Xem Thêm:   Cách Trồng Nấm Hương Đơn Giản, Hiệu Quả Năng Suất Cao

Tai heo cuộn mộc nhĩ

Chuẩn bị

  • 1 cái tai heo
  • 3 tai nấm mèo
  • Hành khô, sả, hạt tiêu, dấm, bột canh

Thực hiện

  • Tai heo làm sạch, rửa với muối và giấm. Cắt phần lỗ tai, lọc mỏng chỗ mỡ thịt phần chân tai. Mộc nhĩ ngâm nở, cắt bỏ chân. Sả rửa sạch cắt khúc. Hành bóc vỏ.
  • Trải mộc nhĩ vào mặt trong của tai heo. Sau đó cuộn tai heo lại. Dùng dây lạt hoặc chỉ để cố định tai heo lại. Chú ý buộc thật chặt để phần mộc nhĩ sau khi luộc không bị rời ra.Cho tai cuộn mộc nhĩ vào nồi nước cùng 2 thìa giấm và một chút muối. Cho tai heo cuộn vào luộc sơ. Nước sôi thì vớt tai ra rửa sạch với nước.
  • Lấy một nồi nước khác. Cho sả, hành, hạt tiêu, 2 thìa giấm, rồi cho tai heo vào luộc cùng. Nước sôi thì để om 25-30 phút thì tắt bếp
  • Vớt tai heo cuộn mộc nhĩ ra để nguội. Bọc lại rồi để ngăn mát tủ lạnh 3 giờ đồng hồ là được. Khi ăn, đem tai heo cắt bỏ dây, thái miếng mỏng vừa phải. ăn kèm với tương ớt hoặc chanh muối.

Giá đỗ xào nấm mèo chay

Chuẩn bị

  • 500 gram giá đỗ
  • 2 cái mộc nhĩ loại to
  • 2 cây hành lá
  • Mì chính, hạt nêm

Thực hiện

  • Giá đỗ rửa sạch, mộc nhĩ ngâm nở, cắt chân, rửa sạch, hành cắt lấy lá rửa sạch
  • Mộc nhĩ thái sợi
  • Cho dầu ăn vào chảo, cho giá vs mộc nhĩ vào xào chín, nêm gia vị vừa ăn, cho hành vào đảo đều bày ra đĩa và dùng nóng ạ

Xôi thịt băm nấm mèo

Chuẩn bị

  • 1/2 nếp Thái
  • 1 lạng thịt nặc dăm
  • 2 tai nấm mèo
  • 2 củ Hành khô
  • Gia vị

Thực hiện

  • Vo nếp ngâm khoảng 1 tiếng cho vào nồi cơm điện đổ xâm xấp nước, khoảng 0,5 cm nước so vơi mặt nếp. Cho thêm tí bột canh cùng 10ml dầu ăn vào trộn đều.
  • Thịt nạc rửa sạch băm nhỏ, ướp gia vị vừa ăn. Ngâm nở nấm mèo rửa sạch cắt bỏ phần rễ. Cắt nhỏ nấm mèo trộn chung vơi phần thịt nạc vừa ướp.
  • Bắt chảo nóng, cho dầu ăn vào phi thơm hành củ(đã đập dập) cho thịt cùng nấm mèo vào xào chín nêm nếm gia vị vừa ăn. Cho vào nồi xôi vừa chín trộn dều cho vào khuôn(hộp) để nguội. Có thể ăn cùng giò, gà..Món xôi cực dễ nấu mà đủ chất cho bữa sáng đầu tuần vội vàng nhé cả nhà.

Thịt gà xào mộc nhĩ nấm hương

Chuẩn bị

  • 200 gr lườn gà tươi
  • 6 cái nấm hương khô
  • 1 cái mộc nhĩ khô
  • 10 ml dầu oliu
  • 1 củ hành khô
  • 2 thìa nhỏ ;hạt tiêu
  • 1 miếng lê tươi

Thực hiện

  • Luộc sơ lườn gà cho chín rồi xé nhỏ, sau đó đem 2 thìa tiêu trộn cùng gà cho thơm đều.Ngâm mộc nhĩ nấm hương cho nở ra rồi thái nhỏ để ra bát. Xắt nhỏ hành khô
  • Giữ lại 1/2 chén nhỏ nước dùng gà vừa luộc, thái nhỏ lê tươi rồi cho vào đun cho lê ra nước ngọt.
  • Bắc bếp lên, sau đó cho 10ml dầu oliu phi với hành khô cho thơm, bỏ nấm hương mộc nhĩ vào xào chín
  • Nước lê sau khi sôi và lê đã chín mềm, ta đổ vào chảo mộc nhĩ nấm hương đảo đều rồi trút gà vào xào nhanh cho khô săn lại
  • Bắc ra đĩa rồi rắc thêm ít tiêu + mùi ta lên và dùng thôi nào, mẹ nào thích có thể thay bằng dưa chuột nhé. Ớt cay mình dùng tuỳ khẩu vị
  • Đây là một món ăn khá đơn giản, ít calo dành cho các mẹ muốn ăn kiêng giảm béo hiệu quả đấy ạ

Canh khổ qua nhồi thịt nấm mèo

Chuẩn bị

  • 6 trái khổ qua nhỏ
  • 300g thịt heo xay
  • 200g tôm đất xay
  • 3 cái nấm mèo
  • Hành lá, hành tím, hạt nêm, muối, tiêu

Thực hiện

  • Hành lá xắt nhỏ, hành tím băm nhuyễn, nấm mèo ngâm nở rửa sạch xắt nhỏ, trộn tất cả nguyên liệu trên với tôm và thịt đã xay nhuyễn, thêm 1 muỗng cafe tiêu, 1/2 muỗng muối, 1 muỗng hạt nêm, đeo bao tay nilong vào nhồi cho đều, ướp trong 15p
  • Khổ qua rửa sạch, xắt khoanh, bỏ ruột, nấu nước sôi cho khổ qua vào nấu sơ vớt ra cho vào nước lạnh để giảm vị đắng
  • Nhồi thịt vào phần ruột khổ qua
  • Nấu nước sôi cho từng khoanh khổ qua vào nấu trong 15-20p, nêm đường, muối, hạt nêm vừa ăn, cho thêm hành lá rồi tắt bếp.

Chả giò nem nấm (thực phẩm chay)

Chuẩn bị

  • 3 tai nấm mộc nhĩ
  • 1 cây nấm đùi gà
  • 50g nấm đông cô tươi
  • 50g nấm kim châm
  • Nửa củ cà rốt
  • 50g thịt heo bằm nhuyễn (món chay thì không dùng)
  • Bánh tráng để cuốn
  •  Gia vị: tiêu, bột năng, rau mùi …

Thực hiện

  • Mộc nhĩ ngâm nở trong nước mát 30 phút rồi thái sợi và băm nhỏ. Nấm đùi gà và  kim châm rửa sạch và thái hình hạt lựu nhỏ. Nấm đông cô ngâm nở rồi cắt nhỏ hình hạt lựu. Cà rốt gọt vỏ, thái sợi. Chúng ta nên băm nhỏ các nguyên liệu trên.
  • Cho thêm rau mùi, hạt tiêu, gia vị vừa ăn và 1/2 muỗng canh bột năng vào trộn đều tất cả các nguyên liệu.
  • Cuốn chả giò rồi chiên vàng. Vì tất cả là rau củ nên ko cần chiên quá lâu, chiên lửa vừa trong 5 – 7 phút là được. Nên cho nhiều dầu một chút để tránh bị cháy vì chả giò khi chiên hút rất nhiều dầu ăn.
  • Khi ăn chấm nước mắm chua ngọt hoặc tương ớt.

Trên đây là 3 cách trồng nấm mèo, mộc nhĩ với hưỡng dẫn chi tiết nhất và đơn giản nhất kèm những cách chế biến mộc nhĩ thơm ngon cho bữa ăn dinh dưỡng. Chúc các bạn thành công.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *